Review FIKO NE 3 Pro – Cây lấy ráy tai thông minh có camera

Photo of author
Written By Phạm Anh Quang

Cây lấy ráy tai thông minh có camera thì không phải là mới nhưng chúng thường có nhược điểm là hình ảnh không được sắc nét nên rất khó thao tác. Còn với những loại có chất lượng cao thì giá lại rất đắt & thường cũng rất khó mua.

Còn với FIKO NE 3 Pro thì lại khác, Quang mua nó chỉ có 200K nhưng giá trị mà nó đem lại thì phải gọi là vượt trội trong tầm giá.

Với camera mini Ultra HD độ phân giải 3 MP, tích hợp LED trợ sáng nên thao tác lấy ráy tai khá là dễ dàng. Ngoài ra, thì Quang còn dùng chiếc FIKO NE 3 Pro như một cái máy nội soi mini để thỉnh thoảng kiểm tra tai mũi họng cho con gái nhỏ của mình nữa.

1. Thông số kỹ thuật

  • Thương hiệu: FIKO
  • Tên sản phẩm: Dụng cụ lấy ráy tai có camera
  • Mã sản phẩm: FIKO NE 3 Pro
  • Dòng đầu vào: DC5V 150mAh
  • Đường kính bên trong ống kính: 3.6mm
  • Độ dài tiêu cự chuẩn: 1.5 – 2cm
  • Độ phân giải: 3MP
  • Con quay hồi chuyển: 3 trục
  • Trọng lượng thân máy: 13g
  • Kết nối: WI-FI IEEE802.11 b/g/n
  • Ăng ten: Tích hợp Ăng ten FPC
  • Tần số làm việc: 2.4Ghz
  • Tốc độ truyền hình ảnh: 30fps
  • Thời gian sạc: khoảng 60 phút
  • Thời gian làm việc: khoảng 30 phút
  • Nhiệt độ môi trường làm việc: -10oC đến 50oC
  • Dung lượng pin: 130mAh
  • Thời lượng pin: khoảng 35 phút
  • Bộ sản phẩm bao gồm: Dụng cụ lấy ráy tai, 04 đầu lấy ráy tai và cáp sạc Type-C
review-fiko-ne3

2. Mở hộp FIKO NE 3 Pro

Là một sản phẩm giá rẻ nên cách thức đóng hộp khá đơn giản nhưng công bằng mà nói thì mọi thứ vẫn khá là chỉn chu. Trong gói hàng mình nhận được thì shop có để sẵn 2 tờ giấy thông tin liên hệ & hướng dẫn sử dụng, mặc dù trong hộp sản phẩm cũng đã có sẵn một tờ hướng dẫn sử dụng khác.

Ngoài ra, trong hộp sẽ có một lọ đựng 3 đầu móc tai thay thế, một sợi cáp USB – C & tất nhiên là không thể thiếu được cây lấy ráy tai thông minh FIKO NE 3 Pro.

review-fiko-ne3

Cảm nhận của mình là cây lấy ráy tai này được làm rất đẹp & chỉ nhỏ bằng ngón tay trỏ của mình thôi.

Trên thân thì chỉ có duy nhất một nút bấm để tắt mở, cùng với đó là logo của FIKO.

review-fiko-ne3

Phía dưới thì có cổng sạc USB – C. Phần trên thì mình có cảm giác nó được hoàn thiện từ inox, phía trên đỉnh là camera đi kèm với đèn led.

review-fiko-ne3

Phần móc tai thì có thể tháo ra bằng cách vặn ngược chiều kim đồng hồ, còn khi lắp vào thì vặn xuôi chiều kim đồng hồ. Theo cảm nhận của mình thì phần móc tai khá là mềm do được làm từ silicon nhưng độ hoàn thiện thì không cao bởi vẫn còn một vài chi tiết thừa.

review-fiko-ne3

3. Hướng dẫn sử dụng FIKO NE3

Cơ bản thì sau khi mở hộp ra chúng ta có thể sử dụng nó ngay như một cây lấy ráy tai thông thường, bởi mọi thứ đã được lắp đặt sẵn. Tuy nhiên, chúng ta mua FIKO NE3 vì tính năng camera của nó cơ mà, chứ dùng như thông thường thì mua mấy cây móc tai truyền thống cho rẻ, chứ mua cái này làm gì.

review-fiko-ne3

  • Bước 1: Tải app SL ylz trên điện thoại (Android & IOS).
  • Bước 2: Kiểm tra đầu móc tai xem đã chặt chưa (xoay xuôi kim đồng hồ là vặn vào, còn xoay ngược là mở ra).
  • Bước 3: Sạc pin cho cây móc tai bằng cáp USB-C đi kèm.
  • Bước 4: Giữ phím nguồn trong khoảng 2s, cho đến khi nào thấy đèn sáng.
  • Bước 5: Mở app SL ylz => bấm Not connected => kết nối với wifi có tên HNDEC-xxxxxx (nếu nhận được thông báo không có internet thì hãy cứ tiếp tục kết nối).
  • Bước 6: Khi kết nối thành công thì trên app sẽ báo là Connected & trên nút nguồn của cây móc tai cũng sẽ có đèn màu xanh dương phát sáng (không nhấp nháy).
  • Bước 7: Bấm nút nguồn trên app thì bạn sẽ xem được hình ảnh từ camera trên đầu cây lấy ráy tai.
  • Bước 8: Soi thử trên một tờ giấy để xem camera đã hoạt động đúng chiều & ổn định chưa.
  • Bước 9: Sử dụng để lấy ráy tai hoặc nội soi những khu vực cần thiết
  • Bước 10: Ngắt kết nối bằng cách bấm giữ nút nguồn trên cây FIKO NE3 khoảng 2s cho đến khi đèn tắt.
review-fiko-ne3

Một số tính năng trên app & cây lấy ráy tai FIKO NE 3 Pro:

  • Rotate: Đảo chiều camera.
  • Mirror: Chế độ phản chiếu (như khi chúng ta soi gương).
  • Zoom: Phóng to hình ảnh.
  • Snapshot: Chụp ảnh
  • Record: Quay phim

4. Review FIKO NE3

4.1 Ưu điểm của FIKO NE3

  • Giá rẻ: Theo Quang thì 200K là một mức giá rất rẻ cho một cây móc tai thông minh, có đi kèm camera. Bởi trước đây, mình cũng đã mua một số cây của các thương hiệu khác, thì nó phải có giá trên dưới 1 triệu đồng mà chất lượng thì cũng chỉ tương đương.
review-fiko-ne3
  • Thiết kế: Mình cũng đánh giá cây lấy ráy tai FIKO NE3 này có thiết kế đẹp, khi mua thì mình thấy có 2 màu trắng & đen để chúng ta lựa chọn. Quang thì từ trước tới giờ vẫn thích những đồ gia dụng có màu trắng nên cũng sẽ chọn màu trắng luôn. Cái mà mình đánh giá cao nữa là một phần thân được làm phẳng, chứ không phải làm tròn toàn bộ, điều này giúp cho chúng ta cầm chắc tay hơn & cũng sẽ an toàn hơn trong quá trình sử dụng.
review-fiko-ne3

  • Nhỏ gọn: Những cây móc tai thông minh trước đây mình sử dụng đều khá là to và nặng nhưng cây FIKO NE3 này khá là nhẹ nhàng nên khi sử dụng không có trở ngại gì cả.
  • Pin lâu: Theo công bố của nhà sản xuất thì sẽ dùng được khoảng 35 phút, Quang đã thử sạc đầy pin & dùng khoảng 7 8 lần mà vẫn chưa thấy hết pin.
review-fiko-ne3

4.2 Nhược điểm của FIKO NE3

  • Đầu móc tai hoàn thiện kém: Dù rằng trong hộp có đi kèm 4 cái đầu móc tai nhưng tất cả đều có độ hoàn thiện khá kém, vẫn còn một số chi tiết thừa. Dù rằng không ảnh hưởng đến tính năng nhưng nhìn khá “ngứa mắt”.
  • Tên app & tên thương hiệu không giống nhau: Quang đoán là do FIKO mua mẫu & app sẵn có của một công ty gia công ở Trung Quốc. Điều này sẽ giúp làm giảm chi phí giá thành nhưng sẽ có trường hợp lâu lâu chúng ta không nhớ tên app để truy cập.

5. Kết

Dù rằng vẫn còn nhiều nhược điểm nhưng Quang Studio đánh giá đây là cây lấy ráy tai thông minh tốt nhất trong tầm giá 200K.

Với mức giá như này thì sẽ tiếp cận được với rất nhiều người, bởi nếu giá tầm 1 triệu như những thương hiệu khác thì rất nhiều người sẽ còn e ngại để đầu tư. Điều đó giúp những gia đình có con nhỏ như nhà mình sẵn sàng xuống tiền. Bởi ngoài việc lấy ráy tai thì sẽ có rất nhiều lúc phải cần đến chiếc máy “nội soi mini” này như khi thấy con ngứa tai hoặc nghi ngờ có vật gì đó tắc trong mũi chẳng hạn.

Có thể bạn sẽ thích:

Viết một bình luận